Vựa măng tre 30 nghìn tấn/năm
Từ năm 2005 đến nay, cây tre măng Bát Độ luôn được coi là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế nông – lâm nghiệp của huyện Trấn Yên. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện các nhiệm kỳ luôn xây dựng giải pháp phát triển vùng tre măng Bát Độ hàng hóa, hàng năm luôn xây dựng kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu.
Theo từng giai đoạn và điều kiện khảo sát đất đai thực tế ở từng địa phương, huyện Trấn Yên xây dựng kế hoạch phát triển mở rộng diện tích của từng năm cho từng xã. Mỗi năm phát triển từ 100 – 300ha tre Bát Độ. Đến nay, huyện Trấn Yên đã hình thành vùng trồng tre nguyện liệu tập trung lớn hàng đầu cả nước với 3.908ha, trong đó diện tích cho thu hoạch là 3.364ha, sản lượng măng thương phẩm hàng năm đạt trung bình hơn 30.000 tấn.
Kiên Thành là xã vùng cao của huyện Trấn Yên với trên 90% là đồng bảo dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Tày, Dao và Mông. Sau bao gian truân phát triển, xã Kiên Thành đã trở thành thủ phủ của cây tre Bát Độ. Hiện nay, diện tích tre măng của xã là hơn 1.900ha, trong đó có 1.774ha trong thời kỳ kinh doanh. Hàng năm, sản lượng măng thương phẩm trung bình của xã đạt hơn 20.000 nghìn tấn, chiếm tới 2/3 sản lượng măng của toàn huyện.
Ông Dương Kim Hưng, Chủ tịch UBND xã Kiên Thành cho biết: “Đến thời điểm này của vụ thu hoạch măng tre Bát Độ năm 2022, sản lượng măng thương phẩm của xã đạt hơn 20.000 tấn, với giá bán dao động từ 5.500 - 6.000 đồng/kg, giá trị thu nhập khoảng 110 tỷ đồng. Hiện nay, 14 điểm thu mua của các doanh nghiệp như Công ty TNHH Vạn Đạt và Công ty Cổ phần Yên Thành được phân bố tại tất cả các thôn, thuận tiện cho người dân tiêu thụ sản phẩm. Nhờ trồng tre măng Bát Độ mà đời sống của nhân dân trong xã đã được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người của xã hiện đã đạt trên 45 triệu đồng/người/năm".
Hồng Ca là một xã khó khăn ở huyện Trấn Yên với trên 95% là người dân tộc thiểu số. Đến nay, gần 70% hộ trong xã đã trồng tre, tổng diện tích 1.234ha, trong đó 1.057ha tre thời kỳ kinh doanh, tập trung chủ yếu ở các thôn Hồng Hải, Nam Hồng, Liên Hiệp, Đồng Đình.
Đặc biệt hơn, cây trồng này đang mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho người dân ở các thôn vùng đồng bào dân tộc Mông sinh sống như Hồng Lâu, Khuôn Bổ, Khe Ron, Khe Tiến.